TRƯỜNG THCS NHÂN HOÀ 

 QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

      Nhân Hòa cái tên nghe nồng ấm tình người. Ai đã từng đặt chân lên mảnh đất Nhân Hòa chắc hẳn khó có thể quên được những con người hiền hòa, nhân ái giàu tình nghĩa, cần cù chăm chỉ làm ăn, nhạy bén năng động trong cuộc sống - mảnh đất luôn để lại trong lòng mỗi người dân niềm tự hào kiêu hãnh bởi truyền thống đấu tranh cách mạng, truyền thống xây dựng kiến thiết và bảo vệ quê hương, đặc biệt là truyền thống hiếu học luôn thi đua tiến bước. Và một trong những cái nôi đào tạo lên những con người làm nên truyền thống ấy không phải nơi nào khác chính là trường THCS Nhân Hòa - vườn ươm những tài năng quê hương, niềm tự hào của quê hương.

Nhân Hòa có bốn thôn: Nguyễn Xá, An Tháp, Lỗ Xá, Yên Tập. Trường được đặt ở thôn Nguyễn xá với tổng diện tích là 6474 m2, bình quân 13,4m2/ học sinh. Với  2   dãy nhà kiên cố cao tầng khang trang, trường nằm kiêu hãnh ở trung tâm kinh tế - văn hóa - chính trị của xã cùng với hai trường mầm non và tiểu học. Trường được thành lập từ năm 1966. Nhìn lại chặng đường lịch sử hơn 50 năm xây dựng và phát triển, thầy - trò nhà trường nhiều thế hệ luôn cảm thấy tự hào về mái trường THCS Nhân Hòa thân yêu.

Nhớ lại những năm đầu trường mới thành lập, trong khoảng 10 năm từ 1966 - 1975 khi cả nước tập trung đánh Mỹ,  Miền Bắc trong công cuộc xây dựng CNXH, đời sống nhân dân khó khăn, con em nhân dân trong xã chưa có điều kiện đi học, trường rất ít học sinh, số thầy cô giáo cũng chỉ  năm bảy người , phong trào giáo dục chưa được mấy người quan tâm chú ý, nhà trường với vài ba lớp học được tổ chức dạy ở các sân kho, các đình, chùa ở các làng, thậm chí phải học đêm mỗi khi có bom đạn. Lúc đó trường chưa có tên, có tuổi.

          Khi đất nước hoàn toàn độc lập, nước nhà thống nhất, năm học 1975 - 1976 trường được thống nhất giữa hai trường Cấp I và Cấp II mang tên là trường cấp I, II Nhân Hòa. Đến năm học 1988 - 1989 trường được tách riêng là trường cấp I và cấp II. Lúc đó mỗi khối chỉ có 2 đến 3 lớp học thậm chí khối 9 chỉ có 1 lớp. Trường nằm chơ vơ giữa cánh đồng với mái ngói sập sệ, tường rêu mốc ẩm, cửa sổ chát bùn, sân trường lầy lội, mùa mưa dột ẩm, mùa hè nóng nực, ngột ngạt, mỗi ngày mưa bão hay mỗi khi đông về học sinh bị rét lạnh phải ngồi co cụm lại với nhau để khỏi mưa bị rét, đường lầy. Nhớ lại những năm tháng đó, chúng ta không khỏi bồi hồi. Thế nhưng, mỗi sớm mai vẫn rộn vang tiếng con trẻ đến trường, từng nét chữ, từng lời giảng của thầy vẫn được học trò khắc cốt ghi tâm.

    Những năm 80 nhà nước xóa bỏ bao cấp, cả nước đói khổ mọi ngành nghề sản xuất đình đốn trì truệ, nghề dạy học cũng nghèo khó không kém. Các thầy cô giáo oằn người vừa dạy học vừa kiếm kế sinh nhai. Ai cũng vậy, sáng lên lớp, chiều, đêm về phải lo chạy chợ, cấy hái, nuôi trồng… vất vả tất tưởi. Bao nỗi lo âu, mệt mỏi, hằn sâu trong khóe mắt. Thế nhưng học vẫn say sưa mệt mài ở mỗi giờ lên lớp. Đôi mắt họ vẫn sáng lên tình yêu con trẻ. Học sinh ngày đó cũng khổ thân không kém. Vốn chăm chỉ làm ăn từ xưa ,Nhân Hoà là xã giỏi chợ búa buôn bán nên phần lớn học sinh đi học nhưng phải nghỉ giữa chừng đề ở nhà phụ giúp bố mẹ, việc học chưa được đề cao, nhiều em đi học sáng thì chiều về phải đi bán kem, bán muối chạy chợ… giúp gia đình, thậm chí còn lấy tiền mua sách vở. Trên đường đi học, trong đầu các em vừa hiện lên những bài toán, con số nhưng vừa phải tính toán tiền lãi từ những túi muối thùng kem... Thầy cô vất vả bươn trải cuộc sống, trò cũng lặn lội lo toan mỗi ngày. Thế nhưng mỗi giờ lên lớp của thầy và trò là mỗi “phút giây thần tiên”. Mọi lo toan cuộc sống được gói gọn đóng kín bên ngoài phòng học. Thành  tích dạy học của nhà trường bắt đầu được nhen nhóm.Vượt lên tất cả với lòng yêu nghề mến trẻ với tài năng trí tuệ nhiều  thầy cô giáo trưởng thành từ mài trường đã trở thành giáo viên dạy giỏi các cấp. Bằng lòng khao khát kiến thức nhiều thế hệ học sinh đã trở thành Thạc sĩ, Tiến sĩ như: tiến sĩ Vũ Xuân Thủy- Vũ phó vụ tổ chức cán bộ bộ nông nghiệp, Tiến sĩ Vũ Thu Giang- Giảng viên trường đại học Dược Hà Nội, Thạc sĩ quân y Nguyễn Thiện Kế. Bác sĩ Nguyễn Khắc Thạo, nhiều học sinh giữ những cương vị chủ chốt trong huyện, trong xã…( đ/c Đại tá Đặng Tuấn Nhã – trưởng phòng cảnh sát cơ động tỉnh Hưng Yên, tiến sĩ Vũ Đình Chương – nguyên hiệu trưởng trường Đại học Sao đỏ, đ/c Nguyễn Xuân Vũ – Thường vụ Huyện ủy, trưởng ban tuyên giáo huyện Mỹ Hào, đ/c Phạm Văn Ba- Bí thư Đảng bộ xã Nhân Hòa, đ/c Phạm Văn Cược - Chủ tịch UBND xã)...

           Đi lên từ những gian nan vất vả, đó là những thành tích hết sức đáng tự hào của trường THCS Nhân Hoà trong những năm tháng gian lao của dân tộc. Giữ gìn, nối tiếp và phát huy thành tích ấy, trong những năm qua, với sự đồng lòng chung sức của các thế hệ lãnh đạo  nhà trường, các thế hệ học sinh, trường THCS Nhân Hòa đang từng bước khẳng định mình trong ngành giáo dục của huyện Mỹ Hào trên nhiều phương diện đặc biệt về chất lượng dạy- học, trở thành địa chỉ giáo dục tin cậy của phụ huynh học sinh và nhân dân địa phương.

          Từ năm 1999 đến nay qui mô của nhà trường không ngừng phát triển, chất lượng chuyên môn của  ngày càng nâng cao. Số học sinh đạt học sinh giỏi Huyện, giỏi Tỉnh, học sinh thi đỗ cấp 3 luôn đứng tốp đầu toàn Huyện.

Trường được đầu tư xây dựng hiện đại với khuôn viên đẹp, khang trang thoáng mát. Cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ dạy học rất được chú ý đầu tư. Tất cả các phòng làm việc, phòng học bộ môn đều được kiên cố hóa cao tầng. Có đủ phòng làm việc cho các đồng chí lãnh đạo, các tổ chức, các tổ chuyên môn, phòng họp hội đồng, phòng hội thảo chuyên đề, phòng truyền thống. Các phòng có đầy đủ trang thiết bị làm việc đáp ứng yêu cầu: Quạt, đèn, bàn ghế, bảng chống lóa… đảm bảo mùa đông ấm áp, mùa hè thoáng mát. Khu vệ sinh  hiện  đại, khu để xe cho giáo viên, học sinh đảm bảo trật tự an toàn. Quang cảnh trường xanh- sạch- đẹp.

    Nhà trường có hệ thống CNTT kết nối internet, có địa chỉ Email, có trang Web đáp ứng yêu cầu quản lí và dạy học.

    Đội ngũ nhà giáo của trường có đủ phẩm chất năng lực đáp ứng yêu cầu đổi mới của đất nước đáp ứng yêu cầu của giáo dục trong thời kỳ công nghệ hóa, hiện đại hóa và hội nhập toàn cầu. Họ là những người có lòng yêu nghề, có tinh thần trách nhiệm và có ý thức học tập suốt đời, không ngừng phấn đấu vươn lên trong công tác. Năm 2017-2018 trường có 16 lớp với tổng số 633 học sinh và 42 thầy cô giáo (100% giáo viên đạt chuẩn, 82% giáo viên trên chuẩn).

Hằng năm nhà trường đều có giáo viên dạy giỏi huyện, Tỉnh. Đặc biệt, năm học 2015- 2016, 2016 – 2017 có 06 thầy cô đạt giải cấp Quốc gia. 100% giáo viên xếp loại khá, giỏi có đồng chí nhiều năm liền đạt  danh hiệu chiến sĩ thi đua. Các thầy cô giáo luôn là chỗ dựa vững chắc và tin cậy của các em học sinh.

          Từ vất vả chông gai đến huy hoàng tươi sáng. Với đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên luôn nhiệt tình tâm huyết, với học sinh chăm ngoan cùng sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự ủng hộ của phụ huynh học sinh, nhà trường luôn không ngừng phấn đấu vươn lên và đạt được kết quả đáng khích lệ. Liên tục 10 năm liền nhà trường đạt danh hiệu trường tiên tiến xuất sắc được chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen, giấy khen của cơ quan các cấp. Trải qua bao thăng trầm gian lao với bề dày thành tích, tháng 12 năm 2011 trường đạt danh hiệu trường chuẩn Quốc gia, năm 2012 được đánh giá chất lương ở cấp độ 3 (cấp độ cao nhất). Năm 2013 và 2016 được tặng cờ Thi đua xuất sắc cấp Tỉnh. Đặc biệt, năm 2015 trường vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động Hạng ba.

          Ngày 25/3/2017, được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, nhà trường long trọng tổ chức 50 năm ngày Thành lập trường và đón nhận Huân chương Lao động Hạng ba.

          Trong những năm học tới nhà trường quyết tâm phấn đấu giữ vững danh hiệu trường chuẩn Quốc gia, tiếp tục chú trọng nâng cao hơn nữa chất lượng dạy học, tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mỗi thầy cô giáo thực sự là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo. Đào tạo được những học sinh chăm ngoan biết yêu quê hương đất nước, trí tuệ, năng động, sáng tạo, đáp ứng được yêu cầu của thời đại làm nên những trang sử mới cho lịch sử và truyền thống nhà trường.

Quyết tâm xây dựng và giữ vững danh hiệu '' Nhà trường văn hoá - Nhà giáo mẫu mực - Học sinh thanh lịch".

 

                                                                Nhân Hoà, tháng 3 năm 2018

                                                                             Hiệu trưởng

 

                                                                      Đặng Thị Thu Thuỷ